Đối thoại Hóa chất lần thứ 19 và các cuộc họp liên quan trong khuôn khổ SOM3, APEC Việt Nam 2017
Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương năm 2017 (APEC 2017). Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức lần thứ ba (SOM3) tại thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 8 năm 2017, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) đã tham dự Đối thoại Hóa chất lần thứ 19 và các cuộc họp liên quan (Diễn đàn xây dựng pháp luật; Cuộc họp trù bị công nghiệp và Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất trong quản lý hóa chất) với vai trò là nước chủ nhà APEC 2017
Các nội dung chính của Đối thoại Hóa chất và các cuộc họp liên quan bao gồm: Tạo điều kiện phát triển thương mại bằng cách mở rộng và hỗ trợ hợp tác pháp lý và công nhận lẫn nhau trong khu vực; Nâng cao hiểu biết về vai trò của ngành công nghiệp hóa chất trong việc cung cấp giải pháp tiên tiến để phát triển bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội; Tăng cường hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ và ngành công nghiệp nhằm thúc đẩy việc quản lý và sử dụng an toàn các sản phẩm hóa chất; và Chia sẻ thông tin về các quy định pháp lý liên quan đến quản lý hóa chất trong khu vực.
Tham gia Đối thoại Hóa chất lần này, có hơn 80 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế APEC (gồm cả đại diện Chính phủ và ngành công nghiệp hóa chất). Đoàn Việt Nam có đại diện từ Bộ Công Thương (Cục Hóa chất), 25 doanh nghiệp hóa chất lớn (Công ty Dow Chemicals Việt Nam, Công ty phân bón Bình Điền, Công ty hóa chất LG Vina, Công ty hóa chất Unilever…) và Hội Hóa học Việt Nam.
Với vai trò là nước chủ nhà, Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh đã có bài phát biểu quan trọng để khai mạc Đối thoại, trong đó nêu bật các cách tiếp cập tiên tiến của Chính phủ Việt Nam đối với quản lý hóa chất. Việc ban hành Nghị định mới hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất đã hệ thống hóa toàn bộ các quy định về quản lý hóa chất trong một văn bản pháp luật, tránh sự rời rạc, phân mảnh trước đây. Nghị định mới tập trung giảm thiểu các thủ tục hành chính để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất thông qua hệ thống khai báo điện tử; ngành công nghiệp được trao quyền tự chủ trong việc xây dựng biện pháp ứng phó sự cố hóa chất và đào tạo, huấn luyện an toàn hóa chất nhưng cũng có trách nhiệm báo cáo về hoạt động hóa chất đến các cơ quan nhà nước… Cùng với Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất đang được triển khai, trong tương lai, việc áp dụng cách tiếp cận theo quản lý rủi ro và xây dựng danh mục và cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia sẽ là nền tảng cho quản lý hóa chất tại Việt Nam./.